Bây giờ, ai đến xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, mà hỏi về Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sừng Cà Pớ thì mọi người đều gọi tắt bằng cái tên thân mật là Chủ tịch Pớ để chỉ về người phụ nữ đầy nghị lực ấy.
Xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có 07 bản, tổng số 726 hộ với 3.532 khẩu, toàn xã có 10 dân tộc cùng sinh sống gồm: Hà Nhì, Mông, Kinh, Thái, Dao, Tày, Nùng, Mường, Si La, Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 64,2 %, xã có 797 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 512 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 65,3%.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Chị Pớ luôn tìm hiểu và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và tham mưu kịp thời đến cấp ủy, chính quyền. Bản thân chị là dân tộc Hà Nhì, mẹ và anh, chị, em đều làm nông dân, vì thế những ngày nghỉ lễ của chị luôn là những buổi tranh thủ phụ giúp bố mẹ, anh chị tăng gia sản xuất. Sau nhiều năm canh tác năm chị nhận thấy, trồng lúa thôi đã không đủ nuôi sống gia đình, vì vậy để từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương thì phải có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm đó là phải luân canh luân cư, mang những giống phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi đây, phải tiếp tục cải tạo những bãi đất lâu nay bị bỏ hoang. Với ý chí quyết tâm đổi mới cùng với tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” đúng như lời dặn của Người: “Dân vận khéo thì làm việc gì cùng thành công. Dân làm gốc, lật thuyền cũng là dân và đẩy thuyền cũng là dân”. Với suy nghĩ công tác dân vận không phải việc riêng của ai mà là trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, vì lẽ đó, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Leng Su Sìn đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhất là trong công tác thu hút phát triển Hội viên bằng mô hình cụ thể.
Hình ảnh bà con chăm sóc và thu hoạch khoai từ Mô hình trồng Khoai Lang và Khoai Tây của Hội Phụ nữ xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trước đây, nơi này người dân thường chỉ trồng ngô, sắn, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ các loại cây này không cao, đối với những mảnh ruộng thì người dân thường cũng chỉ trồng một vụ lúa rồi bỏ đất trống thế nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nghèo đói. Trước những khó khăn vất vả đói nghèo của bà con là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chị Pớ đã vận dụng linh hoạt trong thực hiện tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước “không cho đất nghỉ”. Vì vậy, Chị tham mưu với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thực hiện mô hình trồng khoai cụ thể: sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, xã đã thí điểm trồng khoai lang trên mảnh ruộng đã thu hoạch lúa xong. Ban đầu, mọi người còn dè dặt nhưng trước sự thuyết phục của chị và sự ủng hộ của các hội viên nên mọi người đã đồng ý thử nghiệm. Sau trồng khoai thí điểm thấy có kết quả khả thi nên chị đã tiếp tục triển khai thực hiện và vận động được 19 hộ tại 7 bản đăng ký tham gia với diện tích 3,5 ha kết quả cho thu hoạch được 12.910 tấn khoai. Đồng hành cùng bà con đó là Hội phụ nữ xã đã cùng với bộ phận khuyến nông xã hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai lang. Ngoài mô hình trồng Khoai Lang Hội Phụ nữ xã đã gặp từng hộ gia đình tuyên truyên rõ về lợi ích của “Mô hình Khoai Tây” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các Hội viên phụ nữ đã hăng hái tham gia mô hình với tổng diện tích 19,5 ha và kết quả sau 3 tháng đã cho thu hoạch 351 tấn tây với giá 6000đ/kg, qua đó cho thấy mô hình trồng khoai tây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình.
Khoai Tây sau thu hoạch đã được bà con đóng bao để xuất bán cho thương lái.
Về cá nhân Chị Pớ luôn nắm bắt mọi thông tin để kịp thời tham mưu, triển khai và đồng hành cùng hội viên phụ nữ đã giúp chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thành tích trong công tác Hội của Chị cùng sự tin tưởng của bà con trong xã cũng như những kinh nghiệm quý trong công tác chị đã được các cấp Hội và đoàn thể huyện, tỉnh đánh giá cao và ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng như Giấy khen, Bằng khen của các cấp Hội và Ủy ban nhân dân tỉnh tại các hội nghị, hội thảo …
Chị Sừng Cà Pớ (thứ 2 bên trái ảnh) được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong Hội nghị tôn vinh, biểu dương điển hình tiên tiến năm 2023.
Có được những thành quả trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân chị Pớ luôn tự hào vì có được sự đồng hành ủng hộ và tin tưởng của hội viên. Hoàn cảnh của chị không như những gia đình khác đó là vợ chồng, con cái ở gần nhau cùng một nơi mà là hoàn cảnh rất đặc biệt: các con của anh chị ở cùng ông bà nội tại xã Mường Toong; anh Mào Văn Tướng, chồng chị hiện công tác tại xã Nậm Kè cách nhà hơn 30 km, còn bản thân chị công tác tại xã Leng Su Sìn cách nhà 50 km, vợ chồng chị với ông bà và các con chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần. Sự cảm thông, động viên giúp đỡ từ bố mẹ chồng chăm sóc con cái khi chị công tác xa nhà là động lực để chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, hiểu về công việc của vợ, nên anh Tướng chồng chị luôn tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khắc phục hoàn cảnh khó khăn Chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới trên quê hương./.