Một số nội dung cơ bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phó tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP; Nghị định số 47/2019/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP

Thứ ba - 07/05/2024 20:10
Thực hiện Công văn số 2344/BNV-PC ngày 02/05/2024 của Bộ Nội vụ về việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách lĩnh vực Nội vụ. Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên giới thiệu một số nội dung cơ bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phó tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP; Nghị định số 47/2019/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP như sau:
Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW[1]; Nghị quyết số 19-NQ/TW[2] và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành các quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy của theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, tại các buổi kiểm tra, làm việc của Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã có nhiều kiến nghị về những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện số lượng lãnh đạo cấp phó tại một số cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó. Do đó, Bộ Nội vụ đã tiến hành rà soát một số quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và báo cáo Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương về thực hiện số lượng lãnh đạo cấp phó tại một số cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động (giải quyết thủ tục hành chính 24/24h, phạm vi quản lý liên tỉnh, liên huyện và quản lý nhiều cấp, có quy mô tổ chức lớn...); bảo đảm bố trí số lượng cấp phó phù hợp với tình hình thực tế thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không cào bằng giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đẩy mạnh phân cấp cho các Bộ, ngành trong việc bố trí, sử dụng cấp phó trong tổng số lượng cấp phó được xác định theo tiêu chí của Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ đã tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các nguyên tắc sau:
a) Thứ nhất, điều chỉnh tiêu chí xác định số lượng cấp phó không quá 03 người đối với một số ít cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí đặc thù về tính chất hoạt động và quy mô tổ chức như sau:
+ Đặc thù về tính chất hoạt động: Cơ quan, tổ chức hành chính giải quyết thủ tục hành chính 24/24h theo quy định của pháp luật, phải bố trí công chức (trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức) làm việc 3 ca/ngày và có từ 60 biên chế công chức trở lên được bố trí 03 cấp phó (tăng thêm 01 cấp phó so với các cơ quan, tổ chức hành chính hoạt động trong điều kiện làm việc bình thường).
+ Đặc thù về phạm vi quản lý: Cơ quan, tổ chức hành chính quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 9 tổ chức trực thuộc trở lên; trường phổ thông công lập nhiều cấp học và có quy mô lớn (40 lớp học trở lên); đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh (hình thành trên cơ sở hợp nhất từ 5-9 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập) được xếp hạng 1 trở lên được bố trí 03 cấp phó (tăng thêm 01 cấp phó).
+ Đặc thù về quy mô tổ chức: Đơn vị sự nghiệp y tế có quy mô lớn (bệnh viện xếp hạng 1 trở lên) được bố trí 03 cấp phó (tăng thêm 01 cấp phó).
b) Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ điều chỉnh linh hoạt việc bố trí, sử dụng cấp phó của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý trong tổng số lượng cấp phó được xác định theo tiêu chí do Chính phủ quy định (không làm tăng thêm số lượng cấp phó). Quy định nêu trên vừa bảo đảm thực hiện số lượng cấp phó tối đa cơ bản theo quy định chung của Chính phủ, vừa tạo sự chủ động cho người đứng đầu Bộ, ngành bố trí, sử dụng số lượng cấp phó phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý của từng cơ quan, đơn vị.
2. Nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, Bộ Nội vụ đã trình Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến đối với 02 nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về tiêu chí số lượng cấp phó trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung tiêu chí để bố trí thêm 01 cấp phó (từ không quá 02 lên không quá 03 cấp phó) tại một số ít chi cục thuộc cục thuộc Bộ, chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng tiêu chí đặc thù về tính chất hoạt động, quy mô và phạm vi quản lý.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó: Đối với vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc Bộ; Ban, văn phòng thuộc cơ quan thuộc Chính phủ đáp ứng tiêu chí được bố trí 03 cấp phó thì phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị (không làm tăng tổng số lượng cấp phó theo tiêu chí do Chính phủ quy định)”.
Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại 03 Nghị định có liên quan, gồm: (1) Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; (2) Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; (3) Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập./.
 
[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
[2] Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
 

Tác giả: Phòng TC,BC&TCPCP

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây