Theo dấu tiền nhân tìm về vùng đất hoa Ban

Thứ hai - 22/04/2024 23:51

Nằm giữa núi rừng Tây Bắc, thung lũng Mường Thanh quanh năm mây phủ sườn non, sương giăng cành lá ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, lạ kỳ. Vùng đất này có vị trí “xung yếu ở dọc biên thùy” đã để lại nhiều dấu tích của người xưa và những câu chuyện lịch sử của một Điện Biên làm nên “thiên sử vàng” giữa lòng thung lũng hoa Ban.

Nằm ở vùng núi Tây Bắc, Điện Biên là nơi “địa đầu quan yếu” có đường biên giới dài tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Lần theo dấu tích và những hiện vật khảo cổ cho thấy đây là vùng đất có lịch sử lâu đời. Từ thời kỳ đồ đá, nơi đây đã có nhiều cư dân sinh sống. Những hiện vật như bôn, núm cuội, rìu đá đã phản ánh đời sống sinh hoạt của người nguyên thủy ở vùng đất Điện Biên.

 Hình ảnh Bôn (xuất hiện vào khoảng 2500 năm trở về trước), Bảo tàng tỉnh Điện Biên

 

 Hình ảnh Núm cuội

(Công cụ để ghè đập trong cuộc sống hàng ngày của người nguyên thủy)

  Bảo tàng tỉnh Điện Biên

 Hình ảnh Trống đồng Pá Ngam

(Có khung niên đại từ nửa cuối thế kỷ II sau công nguyên)

 Bảo tàng tỉnh Điện Biên

 

 Điện Biên xưa vốn thuộc tỉnh Hưng Hóa. Theo dòng lịch sử, địa giới hành chính và tên gọi của vùng đất này có nhiều thay đổi. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết vùng đất này xưa là đất của nước Văn Lang, thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán là Nam Trung, thời Ngô Tôn Quyền là huyện Lâm Tây, Tây Đạo thuộc quận Tân Xương, thời Đường là huyện Tân Xương. Thời Lý nước ta là Lâm Tây và Đăng Châu. Thời Trần đặt là đạo Đà Giang, lại đặt làm trấn, cuối thời Trần lại đổi làm trấn Thiên Hưng.

Sách Đại Nam nhất thống chí

 TTLTQGI.

Sách Hưng Hóa phú của Đôn Thư Vũ Phạm Hàm, phần “Hưng Hóa cổ lai phân hợp diên cách” viết rằng: Hưng Hóa thời Hùng Vương thuộc bộ Tân Hưng, thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán là Giao Chỉ, thời Ngô Tôn Quyền là huyện Lâm Tây, thời Đường là huyện Tân Xương, thời Lý nước ta là Đăng Châu, thời Trần là đạo Đà Giang, sau đổi là trấn Thiên Hưng[1].

Sau đó, thời thuộc Minh, vùng đất này đặt làm hai châu Gia Hưng và Quy Hóa. Đại Nam nhất thống chí dẫn theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư rằng: “năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), đổi 2 trấn Gia Hưng và Quy Hóa làm châu, lệ thẳng vào ty Bố chính[2]. Đến triều Lê, năm Thuận Thiên lại đặt 2 lộ Gia Hưng và Quy Hóa thuộc Tây Đạo. Thời Hồng Đức đổi 2 lộ làm phủ, lại lấy châu Phục Lễ đặt làm phủ An Tây, đặt Hưng Hóa thừa tuyên, cũng gọi là xứ Hưng Hóa, lãnh 3 phủ, 4 huyện và 17 châu.

Sau bao thăng trầm của lịch sử và sự biến thiên của thời gian, đến nay, trên mảnh đất xứ Mường này vẫn còn in đậm nhiều câu chuyện lịch sử, di tích lịch sử và dấu tích của người xưa. Trong đó, dấu tích thành Sam Mứn (vị trí hiện nay ở bản Pom Lót, xã Sam Mứn, phần cuối phía nam thung lũng Mường Thanh) là minh chứng cho sự hiện diện và vai trò 1 thời kỳ cai quản của người Lự trên mảnh đất này. Từ thế kỷ thứ IX, thứ X, người Lự đã di cư đến khu vực Sam Mứn (tức Điện Biên ngày nay). Tại đây, các chúa Lự xây thành Sam Mứn (còn gọi là thành Tam Vạn). Thành được xây vào khoảng thế kỷ thứ XI, là căn cứ thủ phủ của 19 đời chúa Lự kế tiếp nhau cha truyền con nối cai quản đất Mường Thanh. Theo Đại Nam nhất thống chí thành ở châu Ninh Biên, cao khoảng 1 trượng 5 thước, rộng khoảng 130 mẫu, quanh thành trồng tre và cây, hào sâu dốc.

Cách không xa thành Sam Mứn là thành Bản Phủ gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất. Thành được xây dựng từ năm 1758 đến năm 1762; rộng hơn 80 mẫu, dựa lưng vào sông Nậm Rốm; chân thành rộng 15m, mặt thành rộng 5m, cao 15m; tường thành đắp bằng đất, trồng tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa, hào sâu rộng 4 - 5 thước. Thành Bản Phủ là căn cứ của nghĩa quân trong suốt nhiều năm ở đất Mường Thanh. Vị trí hiện nay của thành Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

 

Thành Bản Phủ

Bên cạnh đó, Điện Biên là vùng đất mênh mang một dải núi rừng nằm dọc biên thùy và quy hội nhiều sắc tộc anh em sinh sống. Vì vậy, nơi đây vừa có sự giao thoa văn hóa, vừa có phong tục riêng biệt của mỗi sắc tộc. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Tục dân phần nhiều ăn gạo nếp, mặc vải chàm, sau lưng đeo địu để địu con, gần nhà đặt cối dùng sức nước để giã gạo, làm guồng nước để tưới ruộng, dùng ống vầu để múc nước. Lấy vợ thì ở rể (tục dân phủ Điện Biên thì sùng bái ma qu, khi mắc bệnh không tìm thầy chữa thuốc, chỉ giết gia súc cầu đảo qu thần. Lấy vợ không kỳ nhà giàu, nhà nghèo đều ra ở rể 6 năm rồi sau mới làm lễ cưới.”[3]

Ngoài những phong tục, tập quán giống nhau giữa các dân tộc và địa phương thì ở mỗi nơi lại mang một bản sắc riêng biệt. Theo Đại Nam nhất thống chí ở châu Ninh Biên “phụ nữ chưa lấy chồng búi tóc ở đằng sau gáy, đã lấy chồng búi tóc ở đỉnh đầu, khi chồng chết búi tóc lệch về bên phải hoặc bên trái[4]; châu Tuần Giáo “đều là người Hắc tộc, mặc lẫn lộn màu đen và màu xanh. Gái đã lấy chồng búi tóc ở đỉnh đầu, chưa lấy chồng hoặc góa chồng búi tóc ở sau gáy[5] v.v…
Trải qua các thời kỳ lịch sử, thung lũng Mường Thanh không chỉ là một vùng đất có lịch sử lâu đời, hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của nhiều sắc tộc mà còn là mảnh đất anh hùng làm lên một Điện Biên “chấn động địa cầu”. Việc tìm hiểu về tiến trình lịch sử cùng những dấu tích của người xưa trên mảnh đất này sẽ làm sáng tỏ vai trò, vị thế của một vùng biên có “vị trí ngăn chẹn đường xung yếu ở dọc biên thùy”.

Tác giả: TTLTLS

Nguồn tin: Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây