Cách nay 183 năm, lần đầu tiên danh xưng Điện Biên chính thức xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính nước ta khi vua Thiệu Trị cho lập 1 phủ mới ở tỉnh Hưng Hóa. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn và chính sử Đại Nam thực lục cho biết châu Ninh Biên tiếp giáp với nước Nam Chưởng và thường bị người Man nước này và quân Xiêm quấy rối vùng biên.
Pano thiết kế trong triển lãm 3D “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”
Nguồn: TTLTQGI.
Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), người Man nước Nam Chưởng lại kéo sang quấy nhiễu châu Ninh Biên. Nội dung bản tấu ngày 15 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) của Hộ lý Hưng Hóa Tuần phủ quan phòng, Bố chánh sứ Ngụy Khắc Tuần cho biết lần đó người Man đã đốt hủy binh xá đồn bảo Ninh Biên và 139 ngôi nhà dân ở xã Phong Thanh. Vì vậy, Bố chánh sứ Ngụy Khắc Tuần và Thự án sát sứ Đinh Văn Minh đã xin thiết lập 1 phủ mới, đặt phủ lị ở châu Ninh Biên. Nội dung bản tấu đề xuất “đặt một phủ lị là phủ Điện Biên kiêm lý châu Ninh Biên, cùng lấy hai châu Lai Châu, Tuần Giáo ở gần làm thống hạt”[1]. Đồng thời xin đặt 1 viên tri phủ chuyên chú việc dân sự, 1 viên chánh quản cơ, 1 viên phó quản cơ chuyên lo việc binh. Lại xin phái trên dưới 100 lính mộ thuộc tỉnh chi lương theo lệ và khoảng 200 thổ dũng, cấp cho mỗi tên mỗi tháng 1 phương gạo, thời hạn trong 6 tháng thì dừng. Sau đó, trích lấy ruộng hoang nhàn giao cho thổ dũng khai khẩn, gieo trồng. Mặt khác, lấy thành cũ để làm phủ lị.[2]
Nguồn: TTLTQGI.
Việc này, Đại Nam thực lục chép như sau: “Bắt đầu đặt phủ Điện Biên thuộc tỉnh Hưng Hoá. Đem các châu Ninh Biên, Lai Châu, Tuần Giáo lệ thuộc vào phủ ấy.”[3] Như vậy, khi mới thiết lập, phủ Điện Biên gồm 3 châu là Ninh Biên, Lai Châu, Tuần Giáo. Năm Tự Đức thứ 4 (1851) đổi châu Quỳnh Nhai lệ vào phủ Điện Biên và do Lai Châu kiêm nhiếp. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua cho đổi Luân Châu lệ vào phủ Điện Biên và do châu Tuần Giáo kiêm nhiếp.
Phủ Điện Biên dưới triều Nguyễn nằm ở vùng thượng du Bắc Kỳ, hình thế rộng rãi, đồng nội ít, phần nhiều là thung lũng núi rừng. Phủ chiếm giữ đường giao thông khống chế nước Nam Chưởng ở phía tây, là vùng đất địa đầu quan yếu. Đại Nam nhất thống chí chép: “Phủ Điện Biên cách tỉnh thành 580 dặm về phía tây, đông tây cách nhau 246 dặm, nam bắc cách nhau 513 dặm, phía đông đến địa giới châu Thuận 195 dặm, phía tây đến địa giới nước Nam Chưởng 51 dặm, phía nam đến địa giới huyện Trình Cố tỉnh Thanh Hóa 250 dặm, phía bắc đến địa giới châu Quảng Lăng nước Thanh 263 dặm. Nguyên là đất của 2 phủ Gia Hưng và An Tây. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) trích lấy đất các châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu đặt phủ này. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), thứ 5 (1852) lại trích lấy 2 châu Quỳnh Nhai và Luân Châu cho lệ vào. Nay lãnh 5 châu.”[4]
Nguồn: Sách Đồng Khánh địa dư chí.
Về vị trí địa lý của các châu Ninh Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai thuộc phủ Điện Biên được Đại Nam nhất thống chí chép như sau:
“Châu Ninh Biên đông tây cách nhau 128 dặm, nam bắc cách nhau 435 dặm, phía đông đến địa giới châu Tuần Giáo 77 dặm, phía tây đến địa giới nước Nam Chưởng 51 dặm, phía nam đến địa giới huyện Trình Cố tỉnh Thanh Hóa 250 dặm, phía bắc đến địa giới Lai Châu 185 dặm. Châu được đặt từ năm Ất Mùi Lê Cảnh Hưng thứ 36 (1775)”.[5]
Nguồn: TTLTQGI.
Nguồn: Sách Đồng Khánh địa dư chí.
“Lai Châu cách phủ 196 dặm về phía bắc, đông tây cách nhau 176 dặm, nam bắc cách nhau 78 dặm, phía đông đến địa giới Luân Châu 116 dặm, phía tây đến địa giới nước Nam Chưởng 60 dặm, phía nam đến địa giới châu Ninh Biên 18 dặm, phía bắc đến địa giới châu Quảng Lăng (nước Thanh) 60 dặm. Đầu thời Lê mới đặt châu”.[6]
“Châu Quỳnh Nhai cách phủ 100 dặm về phía đông, đông tây cách nhau 308 dặm, nam bắc cách nhau 131 dặm, phía đông đến địa giới huyện Văn Chấn 202 dặm, phía tây đến địa giới Luân Châu 77 dặm, phía nam đến địa giới Thuận Châu 94 dặm, phía bắc đến địa giới Luân Châu 37 dặm. Đầu thời Lê mới đặt châu”.[7]
“Châu Tuần Giáo cách phủ 120 dặm về phía đông, đông tây cách nhau 176 dặm, nam bắc cách nhau 64 dặm, phía đông đến địa giới Thuận Châu 83 dặm, phía tây đến địa giới châu Ninh Biên 93 dặm, phía nam đến địa giới Thuận Châu 9 dặm, phía bắc đến địa giới Luân Châu 55 dặm. Nguyên là động Tuần Giáo thuộc Thuận Châu. Đầu thời Lê trích ra đặt làm châu”.[8]
Nguồn: Sách Đồng Khánh địa dư chí.
“Luân Châu cách phủ 90 dặm về phía đông bắc, đông tây cách nhau 188 dặm, nam bắc cách nhau 147 dặm, phía đông đến địa giới châu Quỳnh Nhai 77 dặm, phía tây đến địa giới châu Ninh Biên 111 dặm, phía nam đến địa giới châu Tuần Giáo 53 dặm, phía bắc đến địa giới Lai Châu 94 dặm. Thời Lê đặt châu này.”[9]
Đầu triều Nguyễn, các châu này do các thổ ty nối đời cai quản. Năm 1838, vua Minh Mệnh cho đặt chế độ lưu quan[10] nơi đây. Đặc biệt, sau khi thiết lập phủ Điện Biên, triều đình nhà Nguyễn dần hoàn thiện bộ máy hành chính ở các châu và phủ. Đồng thời, cho chiêu mộ dân ngoại tịch lập thành tổng, xã; đặt tên cho các tổng người thổ ở vùng thượng du; lại lấy quân binh và thổ dũng ở các châu để khai khẩn ruộng hoang khiến dân được an sinh, đồng thời bảo vệ vững chắc vùng biên cương của tổ quốc.
[1] TTLTQGI, CBTN, Thiệu Trị tập 4.
[2] TTLTQGI, CBTN, Thiệu Trị tập 4.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6, tr.165.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tập 4, tr. 340.
[5] TTLTQGI, Đại Nam nhất thống chí.
[6] TTLTQGI, Đại Nam nhất thống chí.
[7] TTLTQGI, Đại Nam nhất thống chí.
[8] TTLTQGI, Đại Nam nhất thống chí.
[9] TTLTQGI, Đại Nam nhất thống chí.
[10] Chỉ những viên quan người Kinh lên miền núi làm việc do triều đình bổ nhiệm.
Nguồn tin: Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn