Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến 137 điểm cầu trong toàn tỉnh, nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, quý I năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên; đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06. Đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện, tạo được chuyển biến về nhận thức, cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Vượt kế hoạch hoạt động 5/25 nhiệm vụ, gồm: Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; số doanh nghiệp công nghệ số; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; số dịch vụ đô thị thông minh được triển khai trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số.
Triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2022 và quý I năm 2023 đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Thu thập, làm sạch 656.251 dữ liệu dân cư (đạt 100%), thu nhận 487.664 hồ sơ CCCD, đạt 98,9%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; hợp nhất Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống thông tin một cửa tỉnh; 100% thủ tục thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu thực hiện trên môi trường trực tuyến; rà soát, đối sánh với Cơ sở DLQG về dân cư và tiến hành cập nhật thông tin cá nhân của 204.304 học sinh, sinh viên (đạt 98,72%) và 15.191 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đạt 98,90%....
Đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tham luận “Giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh”
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, trình bày tham luận và đề xuất giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Với tham luận “Giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ đã chia sẻ:
Triển khai nhiệm vụ được giao (UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai CSDL về CBCCVC trên địa bàn tỉnh và thực hiện tích hợp, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia), Sở Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cung cấp tên các tổ chức bên trong để xây dựng cây tổ chức trên hệ thống, cung cấp danh sách CBCCVC với một số thông tin cơ bản gửi về Sở Nội vụ trước ngày 08/3/2023 để tạo tài khoản cho từng cá nhân trên hệ thống, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu CBCCVC kê khai bản giấy Sơ yếu lý lịch hợp nhất xong trước ngày 15/3/2023 để khi có tài khoản sẽ tiến hành nhập ngay thông tin.
Cùng với đó, Sở Nội vụ tạo nhóm Zalo kết nối các CCVC đầu mối của cơ quan, đơn vị, địa phương; cung cấp đường dây nóng để thường xuyên thông tin, liên lạc hướng dẫn CBCCVC toàn tỉnh kê khai thông tin trên phần mềm và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai kết nối hệ thống thông tin về CBCCCV tỉnh Điện Biên với CSDLQG về CBCCVC thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Mặc dù rất khẩn trương, tuy nhiên trong quá trình nhập dữ liệu của từng cá nhân CBCCVC đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như:
- Thứ nhất, lượng thông tin dữ liệu từng CBCCVC cần cập nhật quá lớn (109 trường thông tin, mỗi trường có nhiều nội dung), phủ hầu như toàn bộ quá trình công tác cá nhân.
- Thứ hai, nhiều trường thông tin yêu cầu lựa chọn nhưng không có nội dung để lựa chọn, không được nhập thủ công, khi không đủ thông tin thì không được lưu.
- Thứ ba, hệ thống không thể vào được hoặc mất rất nhiều thời gian để vào nhất là vào các ngày sắp hết hạn nhập dữ liệu theo yêu cầu của tỉnh.
- Thứ tư, một số tính năng của hệ thống còn bất cập: như việc nhập rất nhiều trường, nhiều thông tin nhưng khi có 1 thông tin chưa đủ, chưa đúng, khi nhấn “lưu” hệ thống không cho lưu mà còn xoá trắng tất cả, kể cả nội dung đúng.
Để kịp thời hướng dẫn việc kê khai, tiếp nhận những khó khăn vướng mắc, triển khai các nội dung và đôn đốc thực hiện; Sở Nội vụ đã lập nhóm Zalo gồm Lãnh đạo Sở Nội vụ phụ trách nhiệm vụ, lãnh đạo VNPT Điện Biên; lãnh đạo và công chức trực tiếp hướng dẫn, theo dõi thực hiện nhiệm vụ và các công chức đầu mối các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc cập nhật CSDL về CBCCVC.
Sở Nội vụ cũng xây dựng biểu mẫu để các đơn vị, địa phương nêu khó khăn, vướng mắc và chia sẻ trong nhóm Zalo bằng google sheet; Các cơ quan, đơn vị sẽ cập nhật tức thời những khó khăn, vướng mắc; Sở Nội vụ và VNPT Điện Biên có trách nhiệm theo dõi để cùng hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc hoặc đề nghị Tập đoàn VNPT điều chỉnh, sửa chữa, xây dựng thêm tính năng của hệ thống; các đơn vị khác (chưa gặp khó khăn vướng mắc) có thể theo dõi và tự sửa chữa lỗi nhập liệu khi gặp phải. Việc sử dụng biểu mẫu google sheet để hướng dẫn, giải đáp, giải quyết khó khăn, vướng mắc đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian hướng dẫn riêng từng đơn vị.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ, Sở Nội vụ đã phối hợp với VNPT thực hiện rất nhiều giải pháp, xử lý được nhiều bất cập của hệ thống, của dữ liệu, đồng thời các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã rất tích cực trong triển khai thực hiện, nhiều thời điểm, nhóm zalo hướng dẫn, trao đổi đến 1-2 giờ sáng nên đến 17 giờ ngày 19/4/2023, dữ liệu CBCCVC toàn tỉnh đã được hoàn thành. Tất cả CBCCVC khối chính quyền đã được cấp tài khoản với số lượng 24.059 người và đã hoàn thành 100% CBCCVC kê khai xong, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác thực thông tin trên hệ thống của VNPT Điện Biên và phần mềm do Sở TT&TT quản lý (trong đó 24.016 dữ liệu CBCCVC được đồng bộ trên hệ thống của VNPT, 43 dữ liệu CCVC thuộc Sở Thông tin và Truyền thông do đơn vị chủ động kê khai, đồng bộ bằng phần mềm do Sở TT&TT quản lý). Bên cạnh kết quả về dữ liệu CBCCVC của tỉnh, trong quá trình cập nhật dữ liệu, tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ ra rất nhiều bất cập, vướng mắc của hệ thống để VNPT đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia; điều chỉnh, bổ sung cho hệ thống của VNPT nhằm hoàn thiện hệ thống và sử dụng trên toàn quốc.
Tính đến 17 giờ ngày 19/4/2023 tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc kê khai, duyệt và đồng bộ dữ liệu CBCCVC khối chính quyền toàn tỉnh (24.059 hồ sơ), sớm hơn yêu cầu của Bộ Nội vụ hơn 1 tháng (trước ngày 30/5/2023) và là tỉnh đứng trong nhóm 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về tiến độ cập nhật dữ liệu CBCCVC.
Lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành nhấn nút khai trương nền tảng đô thị thông minh tỉnh Điện Biên.
Cũng tại hội nghị này tỉnh đã khai trương hệ thống họp không giấy mời; hệ thống thông tin phản ánh phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng thuộc Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC)./.