Một số điểm mới của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP về quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Thứ sáu - 25/10/2024 02:40
Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP Chính phủ về quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP). Nghị định 126/2024/NĐ-CP gồm có 8 chương, 53 điều (tăng 11 điều). So với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, quy định mới đã nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và hoạt động của các hội tại Việt Nam; đồng thời, quy định chi tiết các nội dung về thành lập, tổ chức hoạt động hội nhằm đảm bảo các tổ chức, cá nhân sẽ thành lập và hoạt động hội phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, thể hiện qua một số điểm nổi bật như sau:
Một là, về đối tượng áp dụng, so với quy định cũ, văn bản mới bổ sung quy định không áp dụng Nghị định này đối với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Hai là, về điều kiện thành lập hội: Về số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định số lượng công dân, tổ chức đăng ký tham gia thành lập hội: ít nhất 100 tổ chức, công dân ở nhiều tỉnh cho hội toàn quốc; 50 tổ chức, công dân trong tỉnh cho hội tỉnh; 20 tổ chức, công dân trong huyện cho hội huyện và 10 tổ chức, công dân trong xã cho hội xã. Tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể hơn số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, như: ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên cho hội toàn quốc; 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên cho hội tỉnh; 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên cho hội huyện, và 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã cho hội xã. Điểm mới hoàn toàn, được quy định tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đó là: hội phải có đủ tài sản để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tại Nghị định này, chưa quy định chi tiết giá trị tài sản tối thiểu là bao nhiêu để duy trì hoạt động hội.
Ba là, quy định về cơ sở dữ liệu về Hội: Nghị định mới có riêng một điều quy định về cơ sở dữ liệu về Hội phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà Nghị định 45/2010/NĐ-CP chưa quy định.
Bốn là, về thời gian đại hội thành lập: Quy định mới rút ngắn thời gian phải tổ chức đại hội thành lập hội từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập hội.
(Ảnh Hội viên bầu Ban Chấp hành tại Đại hội thành lập Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Điện Biên,nhiệm kỳ 2023 – 2028)
Năm là, quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: quy định trước đây có 01 chương quy định về hội có tính chất đặc thù, tuy nhiên để thể chế hóa quy định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư về Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nghị định mới đã dành một chương để quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tại Nghị định này đã bỏ tên gọi hội có tính chất đặc thù và thay vào đó là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Một trong những điểm nổi bật của chương này là đã có quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Sáu là, về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội: Tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập và quản lý hội: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã. Để thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã quy định mới về điều khoản phân cấp thành lập và quản lý hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cụ thể như sau: (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
(Ảnh ra mắt Ban Chủ nhiệm khóa mới tại Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, Lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 – 2028)
Bảy là, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, liên quan: Nghị định mới quy định một cách cụ thể trách nhiệm của từng Bộ, ngành có liên quan, không còn quy định trách nhiệm chung chung như Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
          Việc Chính phủ ban hành quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thay thế cho Nghị định được ban hành từ năm 2010 đã kịp thời thể chế các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hội, cũng như giải quyết được những vấn đề không thống nhất giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật về quản lý hội. Đặc biệt quy định mới đã giải quyết được những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện công tác quản lý nhà nước về hội, giúp công tác quản lý nhà nước về hội ngày càng hiệu quả hơn./.
 
 

Tác giả: Phòng TCBC

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây