Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chuyển đổi số và đề án 06 năm 2022, quý I năm 2023

Chủ nhật - 23/04/2023 20:36

Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến 137 điểm cầu trong toàn tỉnh, nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, quý I năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên; đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06; thành viên Ban Chỉ đạo; tổ giúp việc.

4aec1d173f48176ddsc 638555

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, tạo được chuyển biến về nhận thức, cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Vượt kế hoạch hoạt động 5/25 nhiệm vụ, gồm: Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; số doanh nghiệp công nghệ số; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; số dịch vụ đô thị thông minh được triển khai trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số. Trong 25 chỉ tiêu đặt ra, đến hết năm 2022 có 22 chỉ tiêu hoàn thành, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Do địa bàn một số khu vực chưa có đường ô tô đến, chưa có hạ tầng điện lưới quốc gia, không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên chưa có đủ điều kiện để xây dựng, vận hành hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó là, các doanh nghiệp của tỉnh đa số là các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng; mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số chưa cao. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin khởi nghiệp chưa đa dạng, doanh thu đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin còn thấp.

Triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2022 và quý I năm 2023 đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Thu thập, làm sạch 656.251 dữ liệu dân cư (đạt 100%), thu nhận 487.664 hồ sơ CCCD, đạt 98,9%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; hợp nhất Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống thông tin một cửa tỉnh; 100% thủ tục thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu thực hiện trên môi trường trực tuyến; rà soát, đối sánh với Cơ sở DLQG về dân cư và tiến hành cập nhật thông tin cá nhân của 204.304 học sinh, sinh viên (đạt 98,72%) và 15.191 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đạt 98,90%; triển khai đăng ký tài khoản liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe cho 14 cơ sở Y tế có thẩm quyền (đạt 100%); đã thu nhận được 257.289 hồ sơ định danh điện tử (đạt 54,4%), kích hoạt 104.594 tài khoản định danh điện tử (đạt 41%) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; rà soát cập nhật được 90.382 dữ liệu Hội Nông dân (đạt 100%), 45.207 dữ liệu Hội Người cao tuổi (đạt 100%) và 18.147 dữ liệu Hội Cựu chiến binh đạt 99,96%...
 

e342b7dd175681eddsc 63932

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số và triển khai thực hiện đề án 06 trên địa bàn tỉnh cũng còn một số khó khăn, thách thức. Hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 32,6% người dân không có điện thoại thông minh, 16 bản chưa có dịch vụ thông tin di động, 79 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động (3G, 4G), 171 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang)... nên ảnh hưởng đến việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đối sánh làm sạch dữ liệu sổ hộ tịch với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chậm tiến độ. Còn 3 huyện chưa cấp kinh phí thực hiện số hóa hộ tịch; tỷ lệ người dân sử dụng thẻ CCCD để đi khám chữa bệnh còn thấp (56,6%); việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội còn thấp, mới đạt 63%; thanh toán học phí không dùng tiền mặt toàn tỉnh mới đạt 15%.
         
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện năm 2023, duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 06; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, giải quyết các “điểm nghẽn” trong triển khai, thực hiện Đề án 06. Thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; thu nhận hồ sơ CCCD, định danh điện tử cho 100% công dân trong độ tuổi; làm sạch dữ liệu chuyên ngành và cập nhật thông tin các Hội đảm bảo 100% trên hệ thống Cơ sở DLQG về dân cư. Hoàn thành việc làm sạch dữ liệu bảo hiểm, bảo đảm 100% người đóng bảo hiểm đồng bộ với Cơ sở DLQG về dân cư; đẩy mạnh việc khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD tiến tới bỏ thẻ BHYT vật lý. Đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; nâng cao tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, chi trả học phí và hỗ trợ chính sách cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn; triển khai thu phí, lệ phí, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các dịch vụ tham quan, ăn uống nhằm chống thất thu thuế. Triển khai hiệu quả đối với 53 dịch vụ công thiết yếu (trong đó có 25 dịch vụ theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nâng cao tỷ lệ thực hiện trực tuyến, cắt giảm dần bộ phận tiếp nhận trực tiếp.
 

40af917048da597ddsc 6405dffgd

 Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại phục vụ cho chuyển đổi số, quan tâm đến trang thiết bị tại bộ phận 1 cửa để phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh; sử dụng chung nền tảng số thống nhất trên cơ sở liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, xác định phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm"; Sở Thông tin và Truyền thông cơ quan thường trực BCĐ chuyển đổi số tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đảm bảo tiến độ, hiệu quả; Công an tỉnh cơ quan thường trực BCĐ đề án 06 tiếp tục làm tốt vai trò của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 trong công tác tham mưu đề ra các chủ trương, giải pháp...
 

a4123949a3c1d0dddsc 64178888da

Lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành nhấn nút khai trương nền tảng đô thị thông minh tỉnh Điện Biên.

Cũng tại hội nghị này đã khai trương hệ thống họp không giấy mời; hệ thống thông tin phản ánh phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng thuộc Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC)./.

Nguồn tin: dienbien.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây