Chính phủ ban hành Nghị định 171/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Nghị định này quy định về nguyên tắc, nội dung, chương trình, hình thức và quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức; áp dụng đối với các đối tượng: Công chức trong cơ quan của Đảng Công sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã.
Điểm mới nổi bật của Nghị định là: quy định cụ thể điều kiện, trách nhiệm, quyền lợi và chế tài đền bù chi phí đào tạo đối với công chức được cử đi đào tạo sau đại học. Công chức được hỗ trợ nhưng cũng phải cam kết phục vụ tối thiểu gấp 03 lần thời gian đào tạo, đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, khác với quy định cũ trước đây là tối thiểu gấp 02 lần thời gian đào tạo.
Điều kiện cử công chức đi đào tạo
Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định rõ yêu cầu về đào tạo sau đại học, theo đó, đào tạo sau đại học đối với công chức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị. Ưu tiên đào tạo các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.
Việc đào tạo sau đại học đối với công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.
Công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo. Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Công chức được cử đi đào tạo sau đại học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết bởi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
Nội dung bồi dưỡng
Nghị định quy định nội dung bồi dưỡng công chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; Kiến thức khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.
Trong đó, công chức lãnh đạo, quản lý bắt buộc phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước sau khi bổ nhiệm vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.
Đền bù chi phí đào tạo sau đại học
Công chức được cử đi đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1) Tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo; 2) Thực hiện hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định; 3) Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; 4) Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc, bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 171/2025/NĐ-CP.
Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, thay thế các quy định cũ về đào tạo, bồi dưỡng công chức trước đây tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuẩn hoá, đáp ứng yêu cầu chất lượng khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Nội dung chi tiết Nghị định tại đây: