Ý NGHĨA CỦA THÔNG ĐẠT SỐ 1-C/VP VÀ QUYẾT ĐỊNH CHỌN NGÀY 03/01 LÀ NGÀY LƯU TRỮ VIỆT NAM

Thứ ba - 02/01/2024 23:08
Nhằm tuyên truyền sâu rộng về lịch sử và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Lưu trữ, năm 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã thành lập một Ban nghiên cứu để lựa chọn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày Lưu trữ Việt Nam. Vào thời điểm bấy giờ, để lựa chọn được tên gọi, ngày, sự kiện làm Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam là một vấn đề không hề dễ dàng, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất trong toàn ngành.
Về tên Ngày truyền thống của Ngành có 2 phương án được đưa ra là: “Ngày Lưu trữ Việt Nam” và “Ngày Lưu trữ Nhà nước Việt Nam”. Cuối cùng, tên gọi “Ngày Lưu trữ Việt Nam” đã nhận được đông đảo các ý kiến đồng thuận:
- "Ngày Lưu trữ Việt Nam” là ngày chung của cả ngành Lưu trữ, không phân biệt là ngày của hệ thống lưu trữ Nhà nước, lưu trữ của các tổ chức chính trị hay hệ thống lưu trữ tư nhân.
- Lấy tên “Ngày Lưu trữ Việt Nam” sẽ động viên, phát huy được lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của các cán bộ làm công tác lưu trữ ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi ngành nghề trên toàn quốc cùng bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia.
Về các mốc sự kiện được đưa ra lựa chọn làm Ngày Lưu trữ Việt Nam: Theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, các sự kiện lớn gắn với sự phát triển của Lưu trữ Việt Nam được đưa ra để lựa chọn làm ngày truyền thống gồm:
- Năm 1825, Tàng thư lâu (Kho Lưu trữ của triều Nguyễn) được xây dựng.
- Ngày 29/11/1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập.
- Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL cử Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc.
- Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký Thông đạt số 1-C/VP gửi các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.
- Ngày 04/9/1962, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP v/v thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng.
- Ngày 11/12/1982, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia.
Qua phân tích ý nghĩa các sự kiện, sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, Cục Lưu trữ Văn Phòng Trung ương Đảng, ngày 06/6/2007, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 1619/TTr-BNV trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lấy ngày 03/01 hằng năm là ngày Lưu trữ Việt Nam với lý do sau:
- Thông đạt số 1-C/VP có ý nghĩa to lớn về cả lý luận và thực tiễn đối với công tác lưu trữ Việt Nam - công tác lưu trữ của Nhà nước cách mạng Việt Nam.
- Lần đầu tiên trong lịch sử, tài liệu lưu trữ được Nhà nước khẳng định là của nhân dân và toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung của dân tộc.
- Thông đạt thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa  đối với công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ ngay khi đất nước mới giành được độc lập.
- Thông đạt khẳng định việc giữ gìn tài liệu lưu trữ là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân, mỗi cán bộ, người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...
Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Nội vụ, ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam. Điều 1 Quyết định ghi: “Ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam - lấy tên là "Ngày lưu trữ Việt Nam"”./.
Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ 

Tác giả: Trung tâm LTLS

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây