Sáng ngày 19/01/2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nội vụ (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tóm tắt công tác Chuyển đổi số năm 2023 của Bộ Nội vụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết. Trong năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo và các đồng chí Thứ trưởng; sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ, công tác chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ có nhiều chuyển biến, đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt như: (1) nhận thức và hành động có thay đổi rõ rệt; (2) cơ chế, chính sách, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện; (3) phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng, nhất là việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC kết nối chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư; (4) an toàn thông tin, an ninh mạng được củng cố; (5) ban hành danh mục dữ liệu mở; cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); (6) nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa. (7) Công tác thông tin tuyên truyền được đổi mới thực hiện đa dạng trên các nền tảng số Zalo OA,...
Một số kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ trong năm 2023 là việc hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC; kết nối, đối khớp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1010/QĐ-BNV về việc Công bố hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hoàn thành việc lắp đặt hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc phục vụ các dự án IOC của Bộ; Dự án CSDL quốc gia về CBCCVC.
Tổ chức triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Dự án Chuyển đổi số giai đoạn 2 tại Quyết định số 899/QĐ-BNV với trọng tâm là xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bộ Nội vụ; bảo đảm chuyển đổi toàn bộ các hoạt động của Bộ Nội vụ trên môi trường số; các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác của Bộ Nội vụ được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BNV về cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin trong CSDLQG về CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Thông tư này là cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, bảo đảm CSDLQG về CBCCVC “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”; thống nhất mẫu Sơ yếu lý lịch chuẩn hóa thông tin đầu vào, quản lý thông tin, dữ liệu của CSDLQG về CBCCVC; giao trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể tham gia xây dựng CSDL, cập nhật, phê duyệt dữ liệu.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại Quyết định số 84/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ với 76 nhiệm vụ; Quyết định số 72/QĐ-BNV với 40 nhiệm vụ. Tính đến ngày 31/12/2023 cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành theo kế hoạch, còn lại 02 nhiệm vụ chưa hoàn thành do một số lý do khách quan sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
Về hoàn thiện thể chế chính sách, quy định cho chuyển đổi số. Trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã triển khai xây dựng, ban hành nhiều văn bản về Chuyển đổi số; hướng đẫn triển khai Đề án 06 và Dự án CSDL quốc gia về CBCCVC theo Quyết định 893/QĐ-TTg, đã ban hành: 05 Thông tư, 12 Quyết định của Bộ trưởng; các Công văn hướng dẫn triển khai nhiệm vụ.
Về dịch vụ công trực tuyến, Bộ Nội vụ đã ban hành: 14 Quyết định công bố, công khai đầy đủ 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Ban hành Quyết định số 1006/QĐ-BNV về việc công bố danh mục thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ Nội vụ hiện nay có 48 thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của Bộ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nội vụ được xây dựng tại địa chỉ dichvucong., đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tính mở, phù hợp với thực tế khi kết hợp xử lý song song trên môi trường điện tử và truyền thống để từng bước điện tử hóa.
Việc thực hiện số hóa và ký số hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (trừ văn bản Mật) được đảm bảo thực hiện 100%, quản lý và theo dõi trên phần mềm một cửa của Bộ Nội vụ.
Về phát triển hạ tầng số đang hoàn thành Trung tâm điều hành thông minh với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ để nâng cao được năng lực quản lý điều hành trên môi trường số; hỗ trợ Lãnh đạo Bộ và cán bộ chuyên môn sử dụng dữ liệu tự động cập nhật và tự động tổng hợp với một cách nhìn đa chiều trên cơ sở dữ liệu để từ đó đưa ra quyết định một cách khoa học, chính xác kịp thời.
Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Nội vụ: triển khai xây dựng Dự án thành phần 2 "Hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin và Ứng dụng" thuộc Dự án "Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Bộ Nội vụ - giai đoạn 2" đảm bảo hoạt động và vận hành khai thác các hệ thống thông tin CSDL chuyên ngành của Bộ Nội vụ.
Về công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin, phối hợp với Tập đoàn Viễn thông - Quân đội (Viettel) và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm thử mức độ an ninh, an toàn thông tin của hệ thống một cửa điện tử Bộ Nội vụ; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị có thẩm quyền đã tiến hành đánh giá lại mức độ an toàn, an ninh của hệ thống.
Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất giải pháp an toàn bảo mật dữ liệu đối với CSDLQG về CBCCVC, hiện tại Ban Cơ yếu Chính phủ đã xây dựng phần mềm bảo mật, đang chạy thử nghiệm đối với CSDLQG về CBCCVC để hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chỉnh thức.
Xây dựng và phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu. Phê duyệt 4 hồ sơ đề xuất cấp độ: Tổng có 24 hệ thống thông tin đã được xác định cấp độ an toàn thông tin theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC đã được hoàn thành, chính thức kết nối, đối khớp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1010/QĐ-BNV về việc Công bố hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Kết quả, tính đến ngày 21/12/2023 đã có 96 Bộ, ngành, địa phương kết nối trực tiếp qua API (đạt 100%) và đã đồng bộ dữ liệu với CSDLQG về CBCCVC tổng số 2.304.008 hồ sơ đạt 100% bảo đảm Đúng- Đủ- Sạch, để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ yêu cầu quản lý từ ngày 01/01/2024.
Mục tiêu của Dự án Chuyển đổi số giai đoạn 2 tại Quyết định số 899/QĐ-BNV ngày 11/11/2023: bảo đảm chuyển đổi toàn bộ các hoạt động của Bộ Nội vụ trên môi trường số, các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác của Bộ Nội vụ được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Các CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành của Bộ Nội vụ được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh của Bộ, qua đó dữ liệu ngành Nội vụ sử dụng các công cụ phân tích thông minh gồm các CSDL: (1) cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ; (2) cơ sở dữ liệu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; (3) cơ sở dữ liệu về tổ chức, bộ máy; (4) cơ sở dữ liệu chính quyền địa phương và địa giới hành chính; (5) cơ sở dữ liệu về hội, quỹ, tổ chức phi chính phủ; (6) cơ sở dữ liệu CBCCVC của Bộ Nội vụ; (7) cơ sở dữ liệu về tôn giáo; (8) cơ sở dữ liệu về thi đua - khen thưởng; (9) cơ sở dữ liệu về quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; (10) cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ của ngành Nội vụ.
Triển khai xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ công tác nghiệp vụ và quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; phần mềm thu thập thông tin về các hoạt động của Bộ Nội vụ trên không gian mạng; phần mềm báo cáo thống kê ngành Nội vụ; phần mềm nghiệp vụ Cải cách hành chính; phần mềm quản lý công tác xây dựng Đảng, sổ tay đảng viên điện tử trong Đảng bộ Bộ Nội vụ; Hệ thống thông tin quản lý công tác Pháp chế của Bộ Nội vụ…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ đã báo cáo bổ sung, thảo luận về những kết quả đạt được, đề xuất nhiệm vụ, phương hướng công tác chuyển đổi số trong năm 2024 đạt chất lượng cao hơn theo đúng nhiệm vụ và kế hoạch đề ra.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số đã ghi nhận, đánh giá cao chất lượng công tác của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ; tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế bảo đảm đủ cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06/CP; Tiếp tục duy trì, đổi mới dịch vụ công trực tuyến phục vụ mục tiêu cải cách hành chính của Bộ; Triển khai các dự án về hạ tầng số; Đổi mới công tác thông tin, truyền thông...
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, đối với một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có tính chất đặc thù không yêu cầu xây dựng CSDL chuyên ngành cần chủ động nghiên cứu thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị theo hướng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, nhằm mục đích nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác tham mưu, quản lý.
Để công tác chuyển đổi số của Bộ đạt kết quả theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong năm 2024: Thúc đẩy chuyển đổi số nhằm thực sự tạo động lực cho sự phát triển ngành Nội vụ; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, làm căn cứ đánh giá, xếp loại, thi đua, khen thưởng đối với công tác chuyển đổi số của từng đơn vị.
Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành các tập đoàn trong công tác chuyển đổi số. Tập trung chuyển đổi số một cách thực sự, thay đổi tư duy, nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động; Trung tâm Thông tin tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng Bộ ban hành Nghị quyết đẩy mạnh công tác chuyển đổi số Bộ Nội vụ đến năm 2030 cho phù hợp.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển đổi số; khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh của Bộ (IOC); tham mưu, đề xuất về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin; xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số…
Nguồn tin: moha.gov.vn
Những tin cũ hơn